Gặp gỡ CEO Trang Đỗ vào một ngày cuối năm, câu chuyện của chúng tôi không chỉ xoay quanh hoạt động kinh doanh của Tupperware Việt Nam mà còn có những khoảng lặng khi nghĩ đến dịch Covid-19.
“Doanh số của chúng tôi tăng tốc bất ngờ và vượt xa so với mục tiêu năm 2021, nhưng lợi nhuận chỉ ở mức dưới trung bình nếu so với những năm trước. Tôi không suy nghĩ nhiều về điều đó bởi chỉ khi khách hàng an toàn thì bạn mới tính đến lợi nhuận, tăng trưởng… đó là bài toán của tương lai”, “người thuyền trưởng” của Tupperware Việt Nam đã khẳng định như vậy khi nhìn lại một năm kinh doanh đầy biến động.
Covid-19 là phép thử đắt giá sức sống của mỗi doanh nghiệp. Bà nghĩ sao về điều này? Tupperware đã làm thế nào để duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian dịch bệnh vừa qua?
Trụ sở văn phòng Tupperware Việt Nam đặt tại TP. HCM và kho được đặt tại Bình Dương. Vào trước thời điểm TP. HCM thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, chúng tôi đang triển khai chương trình ưu đãi mùa hè theo chủ đề Festival và cho ra mắt rất nhiều sản phẩm lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam với kỳ vọng sẽ mang đến sự thích thú và đa dạng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đến khoảng cuối tháng 6, tình hình dịch bệnh đặc biệt tại TP.HCM bắt đầu nghiêm trọng hơn. Vào thời điểm đó, nhu cầu của thị trường về các loại hộp trữ đông và trữ mát đã gia tăng đột biến vì yêu cầu giãn cách xã hội của Chính Phủ. Tuy nhiên, với mong muốn có thể chung tay cùng tất cả gia đình và cá nhân trên cả nước vượt qua mùa dịch an toàn hơn, chúng tôi quyết định đưa sản phẩm chủ lực với mức giảm giá 40% ra thị trường.
Khi TP.HCM triển khai giãn cách xã hội, khâu vận chuyển hàng hóa là yếu tố sống còn với doanh nghiệp. Tupperware Việt Nam đã làm thế nào để giải quyết được bài toán này và đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng?
Trên thực tế TP. HCM đã có 2-3 tuần giãn cách nghiêm ngặt và shipper hoàn toàn không được hoạt động. Sau thời gian đó, khi có chính sách để shipper hoạt động trở lại trong điều kiện thực hiện 5K và tiêm đầy đủ vaccine, chúng tôi tiếp tục giao hàng đến các đại lý phân phối, cũng như đại lý của có thể chuyển hàng được đến nhà khách hàng. Khi số ca nhiễm ở TP.HCM tăng cao kèm theo yêu cầu giãn cách nghiêm ngặt hơn, nhu cầu tại nhiều tỉnh thành khác về hộp bảo quản thực phẩm cũng gia tăng rất nhanh do nhu cầu dự trữ thực phẩm trong điều kiện hạn chế tiếp xúc xã hội. Do đó, nhằm kịp thời giao hàng đến các cửa hàng, tại thời điểm đó, chúng tôi chấp nhận gia tăng chi phí vận chuyển gấp 2-3 lần so với thông thường để sử dụng dịch vụ vận chuyển trong ngày đối với các tỉnh thành lân cận TP.HCM và vận chuyển nhanh bằng đường hàng không đối với các tỉnh xa. Bên cạnh đó, các cửa hàng Tupperware cũng sử dụng dịch vụ vận chuyển nhanh để sản phẩm có thể đến tay khách hàng nhanh nhất với chi phí giao vận khá cao.
Kho của chúng tôi ở Bình Dương trong thời gian đó cũng thực hiện 3 tại chỗ và dồn tối đa lượng nhân công phục vụ việc đóng gói hàng hóa Tupperware trong điều kiện đảm bảo an toàn giãn cách trong suốt quá trình làm việc. Toàn bộ lực lượng lao động này đã phải tăng ca liên tục để kịp thời hoàn thành tất cả các đơn hàng trong thời gian cao điểm dịch quý 3 vừa qua.
Việc duy trì doanh số trong thời điểm dịch bệnh là nhiệm vụ khó khăn với nhiều doanh nghiệp nhưng rõ ràng Tupperware là một trường hợp ngoại lệ. Vào thời điểm đó bà cân đối như thế nào giữa yếu tố lợi nhuận và tình hình thực tế trên thị trường?
Khi áp dụng chương trình giảm giá 40% cho sản phẩm chủ lực thì chỉ trong vòng 3 ngày chúng tôi đã bán hết số hàng mà dự tính có thể bán đến cuối năm. Bên cạnh đó, vì yêu cầu 3 tại chỗ áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất bao bì và hộp giấy trong tình trạng thiếu nhân công và không thể đáp ứng đơn hàng từ chúng tôi cho bao bì của sản phẩm chủ lực này. Theo đó, dù không mong muốn, chúng tôi đã vận chuyển và bán hàng đến người tiêu dùng với sản phẩm chỉ được đặt trong túi vải không dệt mà không phải là trong hộp giấy.
Tính riêng trong tháng 7 vừa rồi, doanh số của Tupperware tăng khoảng 4 lần so với tháng 7/2020. Với riêng bộ sản phẩm chủ lực giảm giá 40% thì doanh số tăng 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu xét về mặt lợi nhuận thì lại tăng không đáng kể với doanh số đạt được.
Dù doanh số tăng đột biến và lợi nhuận thì lại thấp hơn trung bình các năm, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng việc tăng doanh số trong thời điểm đó đã không còn quan trọng bằng sự tồn tại của doanh nghiệp và sức khỏe của người tiêu dùng. Chúng tôi chấp nhận giảm mức lợi nhuận để cùng khách hàng vượt qua mùa dịch, bởi lẽ khi người tiêu dùng an toàn thì mới tính được đến bài toán cùng phát triển hay lợi nhuận.
Bà có nghĩ Covid-19 là một cú hích cho Tupperware tại thị trường Việt Nam?
Dù đây là cú hích mà chúng tôi không muốn chào đón nhưng điều này là đúng thực tế của Tupperware tại thị trường Việt Nam trong năm 2021. Tôi đã đọc nhiều bài báo hướng dẫn người tiêu dùng cách lưu trữ và bảo quản thực phẩm có nhắc đến Tupperware, dù chúng tôi thường bị xếp ở chót bảng vì luôn bị điểm trừ lớn là mức giá cao (cười). Dù được bán với mức giá được đánh giá là cao so với thị trường, tuy nhiên, với chương trình giảm giá dành cho sản phẩm chủ lực, lợi nhuận giảm buộc chúng tôi tiết giảm chi phí quảng cáo và tiếp cận khách hàng theo cách tự nhiên nhất với chi phí nhỏ nhất. Hiện nay, hệ thống cửa hàng của chúng tôi luôn đồng hành cùng người tiêu dùng trong việc hướng dẫn họ cách sử dụng sản phẩm, bảo quản thực phẩm như thế nào cho đúng cách, hoặc giới thiệu cách chế biến món ăn hàng ngày sao cho đủ dinh dưỡng… thông qua livestream, video giới thiệu.
Trong thời gian dịch bệnh, chúng ta có thêm nhiều thời gian ở nhà và quan tâm đến bên trong ngôi nhà nhiều hơn, đặc biệt là gian bếp và các bữa ăn cho gia đình. Tôi được biết có nhiều trường hợp cả cửa hàng và khách hàng còn sáng tạo trong quá trình sử dụng sản phẩm hơn cả hướng dẫn từ Tupperware, từ đó có thêm nhiều bí quyết hơn về bảo quản thực phẩm và cách nấu các món ăn đa dạng. Đây là một điều rất bất ngờ với chúng tôi!
Mới đây Tupperware Việt Nam đã công bố thông tin thay đổi nhận diện thương hiệu tại các cửa hàng bán lẻ. Tại sao lại có sự thay đổi này? Kế hoạch này sẽ được bà và ban lãnh đạo công ty triển khai như thế nào trong thời gian tới?
Hiện nay chúng tôi đang giữ nguyên phong cách thiết kế cũ với những cửa hàng đã hoạt động và chỉ áp dụng nhận diện mới cho cửa hàng mới mở. Tại mỗi cửa hàng được thiết kế và hoàn thiện theo nhận diện mới, chúng tôi áp dụng quy chuẩn logo, phong cách thiết kế, trưng bày sản phẩm theo ngành hàng để mang đến sự tiện lợi cho khách hàng.
Lý do của việc Tupperware Brands Global chuẩn hóa nhận diện tại các cửa hàng là vì trước đây trên thế giới chỉ có vài nước mở cửa hàng, một vài nước mở showroom, Mỹ thì rất độc lập, linh hoạt nên mỗi nước vận hành theo một cách riêng, thiếu sự thống nhất. Việc quy chuẩn cho tất cả các điểm bán Tupperware trên thế giới sẽ tạo cảm giác thân thiết cho khách hàng dù đi đến bất cứ đâu, và khách hàng cũng sẽ dễ dàng tìm được sản phẩm mà mình cần ở bất kì cửa hàng nào trên khắp thế giới. Đồng thời, nét riêng biệt của mỗi thị trường cũng sẽ tiếp tục được Tupperware duy trì khi sản xuất các bộ sản phẩm đặc trưng của mỗi quốc gia, với hi vọng tiếp tục mang đến sự thích thú và đa dạng trong lựa chọn sản phẩm cho khách hàng. Ví dụ, khi đến Nhật bạn sẽ thấy sản phẩm Sushi Maker, hoặc khi đến Hàn Quốc sẽ có Kimchi Keeper, hay sang đến châu Âu thì bạn sẽ tìm thấy có rất nhiều sản phẩm để làm bánh…Tháng 11 vừa qua, chúng tôi rất tự hào ghi danh là quốc gia đầu tiên của Tupperware Brands Global triển khai nhận diện cửa hàng mới ở cửa hàng thứ 200 tại TP.HCM.
Nếu đánh giá về không gian mới của Tupperware bà sẽ nghĩ đến điều gì?
Với hy vọng mang đến cho khách hàng trải nghiệm toàn diện và tối ưu với không gian mua sắm tiện nghi và hiện đại, không gian cửa hàng theo nhận diện mới được thiết kế dựa theo trải nghiệm của khách hàng. Theo đó, các sản phẩm sẽ được trưng bày theo ngành hàng với thứ tự thống nhất từ cửa vào đến bên trong cửa hàng với tâm điểm khu vực minh họa sản phẩm luôn nằm ở vị trí trung tâm của cửa hàng. Chúng tôi luôn mong muốn các khách hàng của mình đều được sử dụng sản phẩm ngay tại các cửa hàng trước khi đưa ra các quyết định mua sắm.
“Choose good everyday” – Thông điệp mà hãng muốn gửi tới người tiêu dùng Việt Nam nên được hiểu như thế nào thưa bà?
Chọn những gì tốt nhất trong cuộc sống hàng ngày, Tupperware mang đến cho người tiêu dùng giá trị thật và khác biệt với mỗi sản phẩm. Trong đó, giá trị thật được thể hiện ở giải pháp bảo quản thực phẩm an toàn và tối ưu được người tiêu dùng trên thế giới trải nghiệm và khẳng định trong suốt nhiều năm vừa qua. Sự khác biệt là sự thông minh của sản phẩm, các tính năng kỹ thuật của sản phẩm được thiết kế tối ưu giúp chất lượng thực phẩm khi được bảo quản và chế biến với sản phẩm Tupperware luôn ở mức tươi ngon nhất. Bên cạnh đó, tư vấn tận tâm, trải nghiệm thực tế tại điểm mua hàng cùng với chính sách hậu mãi và bảo hành sản phẩm, cũng chính là điều tạo nên điểm khác biệt của Tupperware so với các sản phẩm gia dụng khác trên thị trường hiện tại. Những yếu tố này đã, đang và sẽ luôn tạo nên giá trị cốt lõi cho thương hiệu Tupperware trong suốt hơn 75 năm qua.
Sau khi trải qua gần 2 năm biến động do dịch bệnh, bà đánh giá như thế nào về hướng phát triển của ngành hàng gia dụng cao cấp trong thời gian tới tại Việt Nam?
Tôi cho rằng thị trường hàng gia dụng cao cấp tại Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, đối với Tupperware thì đa số người tiêu dùng mới chỉ biết đến những sản phẩm “chủ lực” là những bộ hộp trữ đông, trữ mát. Nhưng thực tế chúng tôi còn nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao khác như là bộ dao, máy lọc nước, bình nước, nồi chảo… hoặc là các bộ hộp chuyên dụng dành đựng các loại thực phẩm riêng biệt cho tủ lạnh gọn gàng hơn. Tôi nghĩ là khởi đầu với việc mua sắm những sản phẩm phổ biến, người tiêu dùng sẽ có niềm tin để đầu tư tiếp tục cho những sản phẩm khác mà chúng tôi lên kế hoạch giới thiệu đến thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Xin bà chia sẻ thêm thông tin về chiến lược tầm trung và dài hạn của Tupperware Việt Nam? Theo bà những yếu tố nào của thị trường sẽ giúp cho Tupperware tăng tốc?
Phát triển mở rộng thị trường và có thêm cửa hàng để phục vụ được nhiều người tiêu dùng ở tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam sẽ là mục tiêu được chúng tôi hướng đến trong thời gian tới. Hiện tại Tupperware đã có mặt tại 45/63 tỉnh thành, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh xa.
Đối với các đối tác, Tupperware Việt Nam sẽ hỗ trợ tối đa về mặt hình ảnh thương hiệu, hỗ trợ thông tin vận hành và tối ưu hóa kinh doanh. Mỗi cửa hàng sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy để hỗ trợ khách hàng đến tìm hiểu thông tin, mua và tận hưởng ưu đãi hậu mãi các sản phẩm Tupperware.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu thêm nhiều sản phẩm khác như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và các sản phẩm chuyên dụng cho việc nấu nướng khác bên cạnh rất nhiều sản phẩm phục vụ đối tượng khách hàng trẻ hơn. Nếu như trước đây chỉ chú trọng đến sản phẩm thiết yếu, thì sắp tới chúng tôi sẽ chú trọng đa dạng hóa sản phẩm Tupperware tại thị trường Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!